News - T4, 03/12/2025 - 10:37
ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TRỰC TRÀNG DI CĂN GAN: KẾT QUẢ TÍCH CỰC VỚI PHÁC ĐỒ CÁ THỂ HÓA
Lần cập nhật cuối 03/12/2025 - 10:43
Vừa qua, một bệnh nhân ung thư trực tràng di căn gan đa ổ đã có những dấu hiệu tiến triển khả quan sau quá trình điều trị tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ kết hợp hóa trị và điều trị đích dựa trên các hướng dẫn cập nhật từ Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Châu Âu (ESMO), Mạng lưới Ung thư Toàn diện Quốc gia Hoa Kỳ (NCCN), Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị ung thư đại - trực tràng của Bộ Y tế Việt Nam. Đồng hành cùng bệnh nhân là ThS. BS. Bùi Quang Lộc - Trưởng Đơn nguyên Ung bướu, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội.

Bệnh nhân được phát hiện bệnh trong một lần khám sức khỏe tổng quát cách đây hơn một năm. Tại thời điểm đó, bệnh nhân có một khối u lớn cách rìa hậu môn 5cm, tổn thương dày thành trực tràng cùng khoảng 15 khối u tại nhu mô gan, khối lớn nhất có kích thước 48x83x50mm. Chỉ số chỉ dấu ung thư CEA của bệnh nhân là 105,6 ng/mL, cao hơn rất nhiều so với ngưỡng bình thường là dưới 5 ng/mL.
Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư trực tràng giai đoạn cuối, di căn gan đa ổ.
ThS.BS. Bùi Quang Lộc chia sẻ: “Gan là một trong những vị trí di căn phổ biến nhất của ung thư đại - trực tràng do gan nhận máu trực tiếp từ hệ thống tiêu hóa, tế bào ung thư có thể lan từ đại - trực tràng tới gan qua đường máu hoặc hệ bạch huyết, hình thành các khối u thứ phát tại đây.”
Đây là ca bệnh phức tạp, đòi hỏi phác đồ điều trị toàn diện và theo dõi liên tục để kiểm soát bệnh, ngăn các khối u phát triển và kéo dài thời gian sống.

Theo Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị ung thư đại - trực tràng của Bộ Y tế Việt Nam, Hướng dẫn Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Châu Âu (ESMO) và Mạng lưới Ung thư Toàn diện Quốc gia Hoa Kỳ (NCCN) về điều trị ung thư đại trực tràng, phác đồ điều trị cho bệnh nhân cần được cá thể hóa để đạt được hiệu quả tối ưu. Các bác sĩ không chỉ dựa vào giai đoạn bệnh, kích thước và vị trí các khối u mà còn cần dựa trên các kết quả xét nghiệm sinh học phân tử.
Ở trường hợp này, kết quả xét nghiệm sinh học phân tử cho thấy bệnh nhân nhân có đột biến gen RAS, không có đột biến BRAF. RAS là họ gen có thể gây ung thư khi bị đột biến (thay đổi). Sự hiện diện của các đột biến này ảnh hưởng đến hiệu quả của một số liệu pháp điều trị, đặc biệt là liệu pháp nhắm trúng đích vào thụ thể EGFR.
Dựa trên tình trạng của bệnh nhân và các kết quả xét nghiệm sinh học phân tử, phác đồ hóa trị và điều trị đích của bệnh nhân được lựa chọn phù hợp với bệnh nhân có đột biến RAS. Bệnh nhân được điều trị bước một bằng phác đồ tiêu chuẩn với Fluoropyrimidine, Oxaliplatin, Bevacizumab.
ThS.BS Bùi Quang Lộc cho biết “Bệnh nhân đáp ứng tốt với phác đồ điều trị. Ngay sau đợt đầu tiên, một số ổ kích thước nhỏ ở gan đã không còn thấy trên phim chụp cắt lớp sau điều trị. Sau hơn gần một năm, tổn thương đích lớn nhất tại gan đã giảm thể tích từ 78ml còn 27.26ml. Tổn thương gan ở phân loại ổn định sau điều trị. Đồng thời, chỉ số CEA của bệnh nhân giảm từ 105,6 ng/mL xuống còn 33,6 ng/mL.”

Hành trình điều trị của bệnh nhân này là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của phương pháp tiếp cận cá nhân hóa và điều trị đa mô thức trong ung thư trực tràng di căn kết hợp giữa hóa trị và điều trị đích. Sự theo dõi, đồng hành sát sao, điều chỉnh phác đồ phù hợp của đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cũng đóng vai trò quan trọng giúp bệnh nhân không chỉ kiểm soát được bệnh mà còn cải thiện chất lượng sống.